NỢ VÀ TỘI

Bí tích hoà giải : Người thì bảo, nó đẩy con người vào một hoàn cảnh không thể giải quyết và thật ra chỉ làm cho con người sợ hãi và mặc cảm tội lỗi. Kẻ lại quả quyết rằng, nếu không có nó, thì lúc này phải tạo ra nó.

Xưng tội, trong quá trình lịch sử của nó, hẳn đã trải qua nhiều biến đổi hình thức bên ngoài hơn tất cả mọi bí tích khác. Chính bởi vì mang tính cách quá cá nhân, nên nó phải mang hình thái biểu hiện tùy vào cá tính thay đổi của mỗi người và vào truyền thống cởi mở hay khép kín của mỗi nền văn hoá. Sau công đồng Vatican II, người ta đã thử tạo ra nhiều cách để có thể giúp cho việc xưng tội cá nhân, trong số đó có lối xét mình tập thể, mà theo tôi quả rất hay.

Cách thứ hai là xưng tội bằng đối thoại, chứ không phải ngồi toà như xưa nay. Lối này cũng giúp cho người ta thắng vượt được ngại ngùng trong việc thú tội. Nhưng lối này có thể khiến việc xưng tội thành ra những cuộc chuyện trò không đâu, hoặc thành ra chơi trò tâm lí, vì thế mất đi chiều sâu của nó. Người ta cũng rất thích lối xưng tội tập thể. Nhưng đây không thể là cách đúng đắn được, vì bản chất của xưng tội là một hành vi cá nhân ; lối này chỉ phù hợp và có thể làm trong hoàn cảnh thật đặc biệt mà thôi.

Một câu của Hồng Y Ratzinger : “Không có khả năng nhận lỗi là hình thức nguy hiểm nhất của sự thui chột tận cùng của tinh thần, bởi vì chính nó làm mất khả năng tự cải tiến nơi con người “.

Người ta vẫn nói điều này: Ki-tô giáo đẩy con người vào mặc cảm tội lỗi để chèn ép họ. Dĩ nhiên cũng có thể có những lạm dụng kiểu đó. Nhưng xoá đi khả năng nhìn nhận tội lỗi nơi con người lại càng nguy hơn, bởi vì như thế tâm họ sẽ trở nên chai đá và bệnh hoạn. Ta hãy nghĩ thêm một bước nữa về hệ quả cao hơn của việc mất khả năng xét mình. Đó là điều Quốc-xã Đức trước đây đã làm. Người đã phát*ta đã tin rằng vừa cùng một lúc giết người mà vẫn đạo đức, như Himmler biểu, như thế là lương tâm con người đã bị dày nát và con người đã bị biến thể. Khả năng xét mình sẽ trở nên dễ chấp nhận và triển nở, nếu như tội được tha. Mà tha tội lại nhất thiết đòi hỏi phải có lời xá giải. Khoa tâm lí chữa trị có thể giúp nhiều cho việc nhận ra những trục trặc trong cấu trúc tâm trí và chữa lành chúng, nhưng nó không thể thắng vượt được tội lỗi. Khoa tâm trị bị giới hạn ở chỗ đó, vì thế nó cũng rất thường thất bại. Chỉ có bí tích, sự uỷ quyền của Chúa, mới có thể thật sự vượt thắng được tội lỗi.

Tuy nhiên ta phải thú nhận rằng, trong thời buổi cá nhân chủ nghĩa này, con người vô cùng khó mà vượt qua được những cản trở tâm lí trong việc xét mình. Nhưng ở đâu có tinh thần đức tin hướng dẫn ta, ở đó có thể tập lại được khả năng đó. Có thể tập được, nhất là vì ta xét mình nhận lỗi trước mặt Chúa, chứ đâu có phải trước con người, lại nữa việc xét mình này sẽ được kết thúc bằng lời xá giải tha thứ - và biết đâu trong toà giải ta cũng nhận được những lời khuyên giúp mình vượt thắng cả trong những hậu quả của tội.

Trước đây, trẻ con chúng tôi từng lớp bước vào toà cáo giải. “ Trong khiêm tốn và ăn năn con xưng những tội con “ rồi là kể đủ thứ tội. Chẳng phải bao giờ cũng là chuyện dễ dàng, nhưng việc xưng tội quả thật có tác dụng như một thứ máy giặt, người ta cảm thấy sau đó như đã được giặt sạch tội lỗi. Trong sách “ Phụng-ca “ tôi thấy Giáo Hội Đức có ghi phần chuẩn bị xét mình xưng tội, với một chuỗi câu hỏi như kiểu “ bảng kiểm tra “. Sau đây là vài câu đọc được trong đó : “ Tôi có cố gắng gần Chúa không ? – Tôi có tỏ ra yêu thương và biết ơn cha mẹ không ? – Tôi có hay nói xấu và chửi người khác không ? “ Hoặc : “ Tôi có tìm cách đẩy việc cho người khác không ? – Tôi có tôn trọng cá tính của người khác không ? – Tôi có nỗ lực giáo dục con cái về đường ngay không ? – Tôi lười biếng ? Hay ích kỉ ? Hay hoang phí ? Ham mê ăn uống ? – Tôi thích khoe khoang sống không thật với mình? “ Xem thế thì Giáo Hội đâu là cái gì xa lạ với con người đâu.

Tôi tin rằng, điều hết sức quan trọng là làm sao giúp cho lương tâm nói ra được. Trên phương diện này, tội tổ tông đã khiến lương tâm ta chai đá, và ta muốn dấu nó dưới miếng vải quên, bằng cách đối xử với người khác như những kẻ hoàn toàn xa lạ. Ta muốn, chẳng hạn, nuốt nhẹ đi những lời dối trá, và nhiều thứ khác nữa. Lương tâm chai đá là mối nguy lớn của chúng ta. Nó đè bẹp con người. Vì thế, dạy cho người ta nghe được tiếng lương tâm là chuyện cơ bản. Cho nên nhiệm vụ của Giáo Hội là biết nhìn ra tội lỗi cá biệt của mình trong từng thời đại, và nhờ đó giúp cho xã hội khỏi bị chai đá và đổ vỡ trong những lãnh vực đời sống quan trọng này.

Câu hỏi thêm: Có được phép nói dối khi cần không, chẳng hạn giả làm như không ở nhà lúc người ta gọi điện thoại?

Đó là những chuyện rất thực tế, mà các nhà đạo đức cũng không đồng í với nhau. Có một trường phái lớn, trong đó có cả Kant, cho rằng chân lí tự nó đã có phẩm giá, nên mọi xúc phạm tới nó đều không được chấp nhận. Giả vắng qua điện thoại, là chuyện dễ hiểu. Nhưng phải coi chừng chính mình, vì một khi cánh cửa đã mở hé, thì nó có thể lại tiếp tục mở lớn ra. Lúc này tôi không muốn kết tội cái cách tự bảo vệ mình đó - vì tôi cũng sử dụng nó.

“Ân xá” là một hình thức rốt ráo của bí tích hoà giải. Những ân xá đầu tiên được các giáo chủ ban cho những ai tham dự vào các cuộc thánh chiến. Và việc lạm dụng nó rốt cuộc đã là nguyên cớ bề ngoài cho Luther nổi giận và dẫn tới phong trào cải cách và phân rẽ. Tôi nghĩ, ngày nay chẳng còn mấy ai hiểu gì về chuyện ân xá.

Đó là một chương khó khăn trong lịch sử Giáo Hội. Trong huấn dụ năm thánh 2000 Giáo chủ đã cố gắng tạo cho ân xá một ý nghĩa mới. Trước đây người ta phân biệt tội và hình phạt của tội. Phép giải chỉ tha tội, chứ hình phạt của tội vẫn còn nguyên. Điều đó ta hiểu một cách đương nhiên. Nay Giáo chủ có một giải thích mới. Ngài bảo, dù ta đã hết nợ, nhưng cái vết thương ta gây ra nơi kẻ khác vẫn còn đó, đó là một thiệt hại, là những hậu quả do lời nói hay việc làm của ta gây ra. Và trong chính con người tôi vẫn còn một lực giật lùi, một bẻ cong của hữu thể mình.

Như vậy, vấn đề là làm sao giải quyết những hậu quả tồn tại của tội. Việc giải quyết này chỉ có thể diễn ra một cách tập thể, bởi vì tội luôn vượt ra ngoài cái tôi của mình. Vì thế, ân xá có nghĩa là ta đi vào sự trợ giúp của cộng đoàn các thánh, trong đó là nơi diễn ra sự trao đổi các sản vật thiêng liêng, nơi ta tặng cái của ta và nhận nơi kẻ khác cái của họ. Trong ý nghĩa này, ân xá có thể nên hiểu như là việc tẩy xoá những gì thặng dư còn tồn lại, như là việc cùng nhau gánh vác hay gánh vác cho nhau.